Máy chiếu đem lại cảm xúc điện ảnh nhiều hơn TV, mặc dù chất lượng hình ảnh không thể tốt bằng TV cùng tầm giá. Tuy nhiên, xem phim với máy chiếu trong phòng tối trên một màn hình lớn hơn 100 inch, vẫn là trải nghiệm rất tuyệt vời. Chúng ta sẽ có sự riêng tư mà rạp chiếu công cộng không thể có, kích thước lớn mà TV không thể đạt tới, và cảm giác đắm chìm vào bộ phim.
Nếu bạn xem TV trong một căn phòng sáng choang, sẽ khó tập trung vào khung hình vì bị phân tâm bởi không gian xung quanh tràn ngập các đồ vật. Và dù có chất lượng hình ảnh tốt hơn nhiều máy chiếu, màn hình TV sẽ gây mỏi mắt nếu tập trung nhìn quá lâu. Khi cày ba phần của chuỗi phim Chúa Nhẫn với tổng thời lượng kéo dài hơn 10 tiếng, bạn sẽ hiểu.
Nếu muốn có trải nghiệm điện ảnh đúng nghĩa, máy chiếu vẫn tốt hơn TV
Nhưng để lựa chọn một máy chiếu tốt với giá từ vài ngàn USD tới cả chục ngàn, không phải chuyện đơn giản. Dưới đây là một số kinh nghiệm của chúng tôi để giúp bạn đỡ bị rối, trước khi muốn đầu tư cho mình một chiếc máy chiếu, hướng tới trải nghiệm home cinema đích thực với những tác phẩm điện ảnh yêu thích.
Số 1: lumen
Thông số quan trọng nhất của một cái máy chiếu là "lumen", tương đương với "nit" của màn hình TV. Nó sẽ nói cho bạn biết sản phẩm này có thể tạo ra lượng ánh sáng bao nhiêu. Đơn vị này không được thống nhất giữa các hãng với nhau, ví dụ máy chiếu hãng A sáng 3.000 lumen có thể tương đương với hãng khác chỉ 2.500 lumen. Không phải ai cũng công bố ANSI lumen.
Độ sáng đo bằng đơn vị lumen là thông số đầu tiên cần quan tâm khi mua máy chiếu
Hãy cố chọn một cái có độ sáng cao nhất có thể, ví dụ 2.000 lumens. Hãy nhớ rằng chúng ta có thể giảm độ sáng so với công bố, nhưng không thể tăng vượt quá, trừ khi bạn thu nhỏ hình ảnh. Một máy chiếu cỡ 2.000 lumens sẽ tạo ra hình ảnh có thể nhìn rõ ràng trên kích thước 100 inch, với phòng không quá sáng. Những loại cho độ sáng 3.000 đến 5.000 sẽ cực kỳ tốt, rất sáng, nhưng không phải ai cũng cần đến mức ấy.
Số 2: nguồn sáng
Máy chiếu có nguồn sáng và hình ảnh riêng biệt. Nguồn sáng tạo ra ánh sáng ban đầu, sau đó tập trung nó vào một con chip hình ảnh. Có ba loại công nghệ khác nhau được dùng để tạo ra nguồn sáng là LED, laser và đèn cao áp. Mỗi loại lại có những ưu và nhược riêng, cũng như TV LCD và OLED hiện nay vậy.
Đèn cao áp rất phổ biến. Chúng rẻ, tạo ra lượng ánh sáng dồi dào, nên dễ tiếp cận với người dùng vốn không có kinh phí rủng rỉnh. Nhược điểm là chúng sẽ bị lão hóa sau một thời gian dài sử dụng. Ví dụ lần đầu tiên bạn xem, hình ảnh vô cùng rực rỡ, nhưng sau hai năm thì nó không còn duy trì được phong độ nữa.
Cận cảnh đèn máy chiếu
Đến lúc đó, dĩ nhiên chúng ta phải tìm cách thay thế bóng đèn, giống như TV bị hỏng màn hình sau ba năm sử dụng thì cần thay thế tấm nền (mặc dù nhiều người thường mua mới luôn). Theo đánh giá của chúng tôi, máy chiếu thường phải thay bóng sau khoảng 15.000 giờ sử dụng. Nếu mỗi ngày bạn xem phim 4 giờ, chúng có thể phục vụ được khoảng 10 năm.
Đối với các máy chiếu đời mới, người ta dần chuyển qua công nghệ LED và laser. Chúng tỏa ra nhiệt lượng thấp hơn bóng cao áp, hiệu suất hiển thị "ăn đứt" công nghệ cũ, kéo theo đó là chi phí phải bỏ ra nhiều hơn. Nếu có một máy chiếu dùng đèn giá 1.000 USD với cái khác dùng laser hoặc LED cũng 1.000 USD, chiếc dùng đèn sẽ sáng hơn.
Có một điểm lợi thế của laser và LED là tuổi thọ, chúng có thể phục vụ tới 20.000 giờ hoặc hơn. Thậm chí một số nhà sản xuất còn tuyên bố nguồn sáng có tuổi thọ vĩnh viễn, không cần thay thế trong suốt vòng đời. Điều này tiết kiệm cho bạn một khoản kha khá. Và phải nhắc lại một lần nữa, chất lượng hình ảnh duy trì ổn định trong thời gian dài, không như đèn cao áp.
Sony là một trong những hãng sử dụng nguồn sáng laser trên các máy chiếu 4K cao cấp
Số 3: công nghệ chip
Như ở trên đã viết, máy chiếu cần một con chip hình ảnh để tạo ra hình ảnh thực sự từ nguồn sáng. Và chúng ta có ba công nghệ hiện nay để sản xuất các con chip này: DLP, LCD và LCoS. Nếu bạn không quá rành về mấy thuật ngữ chuyên sâu rắc rối, chỉ cần nhớ thật ngắn gọn như thế này về chúng:
DLP: Sử dụng rộng rãi bởi nhiều thương hiệu. Mức giá dàn trải từ loại rẻ tiền tới cao cấp, không bị nhòe chuyển động (có thể hiểu là hình ảnh rất sắc nét), độ tương phản chỉ ở mức trung bình. Rất nhiều máy chiếu cho ra màu sắc chỉ ở mức trung bình, dù nó không phải khuyết điểm vốn có của DLP.
LCD: Giống như DLP, công nghệ này cũng được cung cấp bởi rất nhiều công ty với dải sản phẩm đa dạng về mức giá. Có xảy ra hiện tượng nhòe chuyển động, độ tương phản thường ở mức tệ. Tuy nhiên, màu sắc lại tốt hơn loại DLP.
Máy chiếu Casio nổi tiếng với công nghệ chiếu DLP
LCoS: Được sử dụng chủ yếu bởi Sony và JVC. Đối với Sony, họ gọi công nghệ này bằng SXRD, còn JVC dùng tên DILA. Có xảy ra hiện tượng nhòe chuyển động, mức độ tương phản cao nhất trong cả ba. Màu sắc thường rất phong phú.
Trong khi có hàng chục doanh nghiệp khác nhau cùng kinh doanh máy chiếu, những con chip hình ảnh ở trên lại chỉ được sản xuất bởi bốn hãng. Loại máy chiếu DLP thường sử dụng sản phẩm đến từ Texas Instruments, bao gồm chip và vòng xoay tạo màu Giống như tấm nền TV, tuy mua cùng một nguồn nhưng cách mà mỗi hãng triển khai nó lên sản phẩm lại khác nhau. Đó là giá trị cái tên bên ngoài mà bạn sẽ bỏ ra.
Một số hãng đơn giản chỉ là dùng thiết kế tham chiếu sẵn có, nhưng cũng có những hãng lại dựa trên cơ sở đó để đưa ra tinh chỉnh riêng, nhằm đạt được yêu cầu của họ đề ra. Vậy nên dù cùng là DLP, cùng một mức giá, chip của Texas Instruments, nhưng hãng A sẽ có chất hình khác với hãng B, vì còn cả tá các thứ khác để tinh chỉnh.
Với LCD, Epson có lẽ là cái tên đình đám nhất. Các mẫu giá rẻ thường có độ tương phản nghèo nàn, đơn giản bởi công nghệ LCD rất khó tạo ra được màu đen sâu. Điều này có thể đạt được với TV LCD khi có cải tiến về tấm nền LCD, nhưng với máy chiếu thì khó hơn. Epson đã rất nỗ lực khắc phục điều đó và mẫu Home Cinema 2150 đã thực sự làm được.
Mẫu LCD này cung cấp độ tương phản vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Epson đã sử dụng ba chip LCD tương ứng cho ba màu đỏ, xanh lá và xanh dương. So với những mẫu DLP phụ thuộc vào vòng xoay tạo màu, nó vượt trội. Màu sắc và tương phản đều khá ấn tượng.
Và cuối cùng, công nghệ cho chất lượng hình ảnh được đánh giá cao nhất là LCoS. Hai hãng sản xuất chip hình ảnh lớn nhất của loại này là Sony (SXRD) và JVC (DILA). Máy chiếu của họ thường rơi vào phân khúc cao cấp, vài ngàn USD trở lên. Độ tương phản, sản lượng màu thường bỏ xa các đối thủ dùng DLP hay LCD. Nếu tiền bạc rủng rỉnh, đây là hai lựa chọn xứng đáng.
Flagship 60.000 USD một thời của Sony, là niềm mơ ước của nhiều videophile
Số 4: lắp đặt
Sau khi đã trang bị một số kiến thức cơ bản cho việc lựa chọn máy chiếu, giờ bạn phải tính toán xem vị trí lắp đặt như thế nào để phù hợp với căn phòng mình.
Một số mẫu DLP với thiết kế một chip hình ảnh thường không hỗ trợ thay đổi ống kính đáng kể. Đây là tính năng quan trọng, giúp bạn điều chỉnh vị trí hình ảnh mà không cần phải di chuyển máy chiếu. Loại này thường có xu hướng phóng hình ảnh lên trên, có nghĩa cần đặt ở trần nhà hoặc bàn kê.
Với các máy chiếu LCD và LCoS, chúng hỗ trợ len shift nên có thể điều chỉnh vị trí chiếu thích hợp, bạn sẽ dễ dàng chọn bố trí hơn. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc vị trí đặt lùi lại để có kích thước hình ảnh đúng ý muốn. Máy chiếu gặp giới hạn về mức zoom, để tạo ra một kích thước cụ thể thì phải có khoảng cách làm việc tương ứng. Ví dụ hình ảnh 120 inch với khoảng cách 1,2m.
Giờ đây có loại máy chiếu ultra-short throw, bạn có thể kê nó rất sát màn hình mà vẫn tạo ra kích thước hình ảnh như ý. Loại này sẽ giúp đơn giản trong khâu lắp đặt, rất đáng để cân nhắc.
Số 5: một vài tính năng đáng chú ý
Khẩu độ tự động: Một cơ chế khá phổ biến ở ngay cả các mẫu máy chiếu giá rẻ. Trong các cảnh tối, khẩu độ khép lại giúp giảm độ sáng trên toàn khung hình. Đối với cảnh sáng, nó mở lớn hơn để ánh sáng đi qua nhiều hơn. Đó giống như là một thủ thuật hơn bởi với máy chiếu, tự bản thân nó không điều chỉnh được tương phản như với màn hình TV.
Đôi khi có thể khiến màu đen trở nên nghèo nàn, không vững chắc, vùng tối có thể bị ngả xám.
Đèn năng động: Một hướng tiếp cận khác để làm mờ một cách năng động là giảm năng lượng của đèn chiếu. Giống như khẩu độ tự động, tùy vào nội dung bạn xem sẽ làm mờ tại các cảnh tối. Một phần nào đó giúp chúng trở nên tối hơn, nếu bạn không cảm thấy khó chịu thì đây là một tính năng dùng được.
Khi mua máy chiếu, hãy ưu tiên độ sáng, độ tương phản, tái tạo màu sắc lên trên yếu tố độ phân giải
4K: Chất lượng hình ảnh là tổng hòa của nhiều yếu tố, như độ phân giải, độ sáng, độ tương phản,... Theo quan điểm của tôi, tôi ưu tiên những máy chiếu có màu sắc dồi dào và chính xác, tương phản cao với độ sáng cao, hơn là cố chạy đua lấy độ phân giải 4K nhưng các khía cạnh kia lại mờ nhạt, không được nhắc đến. Vì vậy, trừ khi có hầu bảo rủng rỉnh, bạn không cần đặt nặng chuyện 4K.
Không như TV chỉ cần bỏ ra dưới 1.000 USD là bạn đã có một chiếc TV 4K. Máy chiếu tích hợp độ phân giải 4K chuẩn, không dùng các phương pháp upscale hay dịch chuyển điểm ảnh, thường đã rất đắt nên chất lượng hình ảnh mặc nhiên tương xứng. Những máy chiếu 4K mà dùng phương pháp dịch chuyển điểm ảnh thì có giá rẻ hơn, chất lượng hình ảnh thì không bằng 4K chuẩn.