Hà Việt Pro đã bán được gần 200 bộ máy chiếu LED Full HD giá rẻ từ cuối 2019 đến giờ. Người mua phần lớn để xem phim, xem đá bóng tại nhà, thay cho TV. Trên một trang thương mại điện tử, máy chiếu LED giá rẻ có hơn 10 sản phẩm khác nhau với hàng chục nơi bán.
Phần lớn máy chiếu giá rẻ không có thương hiệu cụ thể. Một số sản phẩm phổ biến trên thị trường mang nhãn hiệu Salange, Tyco, I-Projector, Cheerlux... của Trung Quốc. Một số mẫu được nhập về từ trang thương mại Amazon của Mỹ.
Những máy chiếu giá rẻ này được quảng cáo với thông số kỹ thuật cao so với giá. Ví dụ, sản phẩm đang "ăn khách" trên thị trường là Salange M18, giá 5 triệu đồng, nhưng thông số kỹ thuật tương đương máy chiếu công nghệ DLP giá 20 triệu đồng của ViewSonic. Cụ thể, Salange M18 có độ phân giải thực Full HD 1.920 x 1.080 pixel, trình chiếu kích thước từ 67 đến 200 inch, độ sáng 5.700 Lumen, chỉ có thông số độ tương phản 5.000:1.
Ngoài ra, công nghệ LED cũng được người bán nhấn mạnh. Thay vì sử dụng đèn chiếu Halogen như máy chiếu thông thường, chúng sử dụng đèn chiếu công nghệ LED cho tuổi thọ sử dụng cao gấp đôi, từ 20.000 đến 30.000 giờ liên tục. Việc tắt, mở máy chiếu nhanh chóng hơn, không tốn thời gian để làm nóng và làm nguội đèn.
Tuy nhiên, theo anh Trần Văn Phát, chuyên gia kỹ thuật của một đơn vị cung cấp máy chiếu lớn tại TP HCM, những máy chiếu LED giá rẻ thực chất là máy tự chế, người bán đã lập lờ về công nghệ của sản phẩm, thổi phồng thông số kỹ thuật của máy.
Công nghệ đèn LED trên máy chiếu đã có từ năm 2014. Các thương hiệu lớn, như Casio, ViewSonic, Optoma hay Vivitek đều đã sử dụng nhưng giá sản phẩm không hề rẻ. Ví dụ, máy chiếu độ phân giải WVGA như ViewSonic M1 LED là gần 15 triệu đồng, đắt gấp 3 - 4 lần máy chiếu LED đang quảng cáo trên thị trường.
Khi "mổ xẻ" một vài máy chiếu giá rẻ trên thị trường, các sản phẩm đều không dùng đèn LED chuyên dụng mà là đèn LED chiếu sáng "một mắt". Vì thế, độ sáng khi chiếu hình chỉ đạt vài trăm Lumen, qua quảng cáo thành vài nghìn Lumen. Khi xem ở môi trường nhiều ánh sáng, hình ảnh mờ.
Bên cạnh đó, để giảm giá thành, một số chi tiết linh kiện còn bị lược bỏ. Ví dụ, thấu kính chỉ có khả năng lấy nét mà không thể zoom để thu phóng khung hình, hay kính hắt LCD không phải là 3LCD nên màu sắc cho ra khá nhạt, không tươi. Một số chi tiết khác như mainboard, cổng kết nối đều được làm đơn giản với mục đích chính chỉ là phát ra được hình ảnh kích thước lớn.
Anh Phát cho rằng, người dùng phổ thông, chưa sử dụng qua nhiều máy chiếu thường bị "choáng ngợp" khi thấy máy vẫn chiếu được hình ảnh cỡ lớn. Chất lượng màu sắc và độ sắc nét cũng dễ chấp nhận với người dùng phổ thông, nhưng không đáp ứng những người yêu cầu cao hay có kinh nghiệm. Hình ảnh của máy chiếu giá rẻ là khung hình bị mờ ở bốn góc, chỉ nét ở trung tâm, màu sắc thường bị ám xanh, khó cân chỉnh đúng do thiếu các bộ lọc màu và chỉ dùng màn hình LCD chất lượng kém.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người hài lòng với số tiền bỏ ra, vì với khoản tiền 3 đến 5 triệu đồng, khó mua được một chiếc TV lớn hơn 50 inch trong khi máy chiếu lại được 100 - 120 inch.
Trên các nhóm chơi thiết bị nghe nhìn, máy chiếu LED giá rẻ đang là chủ đề tranh cãi. Nhiều người cho rằng dù thông số kỹ thuật bị thổi phồng và lập lờ về công nghệ, máy chiếu LED giá rẻ vẫn đáng dùng vì đem lại trải nghiệm ổn so với số tiền bỏ ra. Nếu so với máy chiếu mini của các thương hiệu tên tuổi, máy chiếu LED cho hình ảnh lớn và độ phân giải cao hơn. Loại này cũng ít rủi ro hơn máy chiếu đã qua sử dụng vì là hàng mới và có bảo hành.