Những sai lầm của người mới chơi âm thanh
Muốn đôi loa thật to, không coi trọng phụ kiện, thích mua đồ cũ... là những quan niệm cần thay đổi trước khi bước vào "sân chơi" âm thanh.
Luôn muốn có đôi loa thật to
Trong quan điểm của nhiều người, loa vừa để nghe nhạc, vừa thể hiện đẳng cấp và phong cách. Vì thế, không ít người mua cặp loa thùng lớn về chỉ để nghe nhạc trẻ hoặc kết nối thẳng với đầu DVD hay TV để tăng âm lượng.
Khách hàng thường ước mơ có một đôi loa thật to và thực tế là mua loa to rất dễ. Nhưng họ lại không biết loa to có phù hợp với diện tích và không gian phòng hay không. Ngoài ra, họ cũng không quan tâm tới đồ tham chiếu, dây dẫn phù hợp với đôi loa đó. Đa số người mua loa to thường sai lầm là sử dụng ampli… không đủ 'kéo' loa, do đó, gần như không khai thác được tối đa giá trị.
Ít quan tâm phụ kiện hỗ trợ
Những người chơi âm thanh chuyên nghiệp thường rất chú ý tới các phụ kiện hỗ trợ như dây tín hiệu, chân chống rung, bộ lọc nguồn điện..., trong khi người dùng phổ thông lại không quan tâm mà chỉ thường tập trung vào loa và ampli. Thực tế, một bộ dàn âm thanh hoàn chỉnh phải có sự đồng bộ giữa các thiết bị và phụ kiện, thậm chí đôi khi, việc thay mới một bộ dây tín hiệu còn đem lại hiệu quả tốt hơn cả việc nâng cấp một đôi loa.
Sai lầm trong sắp đặt
Việc đơn giản nhất như đặt thiết bị như thế nào cho đúng vẫn bị nhiều người xem nhẹ. Không ít người chơi kê loa lung tung trong nhà, di chuyển ngẫu hứng mà không nắm bắt được rằng hai loa stereo hay dàn 5.1 cần đặt đúng góc, đúng điểm, để tạo hiệu quả âm thanh cao nhất.
"Cắm điện cũng là vấn đề mà hầu như mọi người đều sai. Thông thường điện AC ai cũng nghĩ là cắm phích vào nguồn theo chiều nào cũng được. Thực tế cắm vậy thiết bị vẫn hoạt động, nhưng thiết bị âm thanh yêu cầu khắt khe hơn về sự chính xác giữa đường nóng (làm bút thử điện có màu đỏ) và đường trung tính.
Thích mua đồ cũ
Nhiều người chơi âm thanh có xu hướng tìm thiết bị cũ, đời sâu bởi tin rằng chúng có chất lượng tốt và ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ tìm được các món đồ lâu năm mà vẫn đảm bảo chất lượng, bởi điều này đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian và kiến thức chuyên ngành cao. Không ít người mua được đồ âm thanh cũ tưởng rẻ nhưng hóa ra lại đắt bởi sau thời gian ngắn, thiết bị gặp trục trặc và không thể sửa chữa do quá cũ.
Mua đồ cũ không dễ và hơn hết là chúng không được hỗ trợ từ cả người bán. "Với đồ âm thanh cũ, khi nghe thử, phần lớn mọi người đều dùng trực giác, trong khi thực tế, bên cạnh đôi tai, người ta còn cần kiểm tra bằng máy móc thì mới chính xác và đảm bảo sự cân bằng tuyệt đối".
Các thiết bị âm thanh đều có thể "mòn" qua thời gian. Ví dụ, loa khi hoạt động sẽ đốt dần cuộn cảm và hệ thống xử lý cũng "có tuổi". Giai đoạn những năm 90 khi hàng loạt loa Control 1X của JBL, được sử dụng trong các vũ trường quán bar ở Trung Quốc đã hết hạn, tràn về Việt Nam. Người dùng khi đó mua và thử loa, lúc "Alo" thì thấy âm thanh vang xa tít tắp, nhưng khi mở ra bên trong thì cũ mèm và hỏng hết.
Với ampli, về bản chất, linh kiện bán dẫn cũng chỉ có tuổi bền nhất định, sau thời gian hoạt động ổn định cũng sẽ tới giai đoạn kém dần đi, các điện trở bên trong cũng suy giảm phẩm chất. Với đầu CD, mắt đọc chạy laser cũng "già" đi như mắt người. Sau vài nghìn giờ hoạt động, nếu tiếp tục sử dụng sẽ không còn giữ chất lượng đọc như cũ, khiến tiếng giảm, âm thanh ra không tươi tắn.
Những người mới chơi khi mua đồ cũ, mở máy ra thấy linh kiện bên trong còn mới thì yên tâm, nhưng thực ra, rất có thể người bán đã thay những linh kiện cũ bằng hàng Trung Quốc. Trông mới nhưng chất lượng lại rất dở.
Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác
Trên mạng xã hội hay các diễn đàn, người chơi dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin về việc phối ghép các thiết bị hay bộ dàn âm thanh. Tuy nhiên, mỗi người chơi có một thói quen, một loại thiết bị và quan điểm nhìn nhận riêng về cái hay. Không ít người đã nhầm lẫn, mua theo ý kiến người khác mà không biết bản thân có thực sự thích hay không.
Thực tế, mỗi loại thiết bị âm thanh như loa, ampli đều có một giá trị nhất định và được sản xuất để phục vụ một đối tượng khách hàng riêng. Các nhà sản xuất đã công khai thông tin, số liệu để giúp người mua dễ dàng tìm hiểu xem thiết bị nên kết nối với phụ kiện nào. Do đó, thay vì tìm kiếm các thông tin tư vấn đa chiều trên mạng, người dùng có thể trực tiếp liên hệ với nhà sản xuất hoặc các cửa hàng uy tín.
Chơi thiết bị chứ chưa phải chơi âm thanh
Chơi âm thanh là một thú chơi tốn kèm và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Theo quan điểm của một số người có kinh nghiệm lâu năm, người chơi âm thanh cần dành nhiều thời gian tìm hiểu và tiếp cận các thể loại âm nhạc khác nhau từ cổ điển, rock, pop... Từ đó, tích lũy kiến thức để hiểu rõ những thiết bị nào phù hợp với gu âm nhạc của mình.
Cần tránh việc bỏ ra một số tiền lớn để mua bộ dàn âm thanh, nhưng mục đích chính là nghe các loại nhạc thị trường, hay để thể hiện đẳng cấp và khoe sự giàu sang.